Cửa trong bằng gỗ, nhôm hoặc PVC
Khi chọn chất liệu làm cửa, bạn có rất nhiều sự lựa chọn. Gỗ, nhôm, hay PVC? Có tráng men không? Cố gắng quyết định chất liệu cửa cùng lúc chọn chất liệu lát sàn (sàn gỗ hoặc gỗ Laminate) và màu sắc của các bức tường bên trong, vì như vậy bạn sẽ dễ tìm màu sắc, vật liệu và kiểu dáng để bổ sung và kết hợp nhau. Cửa gỗ có thể được làm từ gỗ phong, bạch dương, vân sam, gỗ gụ, sồi, v.v. và bạn cũng có thể kết hợp gỗ-kính, gỗ-nhôm và kính-nhôm.
Cửa gỗ
Gỗ là chất liệu phù hợp nhất cho cửa trong. Đây là một vật liệu tự nhiên, có nghĩa là nó mang lại sự chào đón và ấm áp, một lựa chọn không tồi. Cửa trong bằng gỗ có vô số màu sắc và hoa văn và nhiều kiểu khung khác nhau, vì vậy nhất định bạn sẽ tìm được cánh cửa ưng ý. Cũng có nhiều loại lớp phủ như veneer, vecni, dầu, v.v. Quyết định cuối cùng là liệu bạn muốn một cánh cửa lõi rỗng cổ điển hay một cánh cửa được làm từ gỗ đặc.
Một cánh cửa trong làm bằng gỗ đặc được làm từ các tấm dày tới 4 cm, bao gồm ba lớp dán chéo. Ngoài các tấm này, các yếu tố khác như veneer, ván hoặc thanh cũng có thể được sử dụng.
Cửa veneer
Mặc dù cửa veneer trông như gỗ đặc, nó nhẹ hơn nhiều. Bạn có thể chọn từ nhiều loại gỗ, nhưng gỗ sồi và gỗ óc chó được coi là tốt nhất, chủ yếu do độ cứng và độ bền của các loại gỗ này. Cửa veneer vốn là loại cửa gỗ được phủ một lớp gỗ cứng mỏng, nhờ đó có vẻ ngoài hiện đại, trang nhã nhưng giúp cửa dễ duy trì vẻ ngoài hơn - chỉ cần lau nhanh bằng khăn ẩm.
Cửa gỗ có kính
Sự kết hợp giữa gỗ và kính khá phổ biến vì nó cải thiện vẻ ngoài của cả cửa và căn phòng. Các tấm kính ở cửa gỗ giúp cải thiện ánh sáng tự nhiên ngay cả khi cửa đóng, có lẽ chính vì vậy nên đây là một trong những loại cửa trong bán chạy nhất. Kính chất lượng cao và an toàn luôn được sử dụng, và cũng có nhiều loại và kiểu dáng.
Cửa kính
Cửa kính có một mục đích đặc biệt. Loại cửa này được sử dụng khi chúng ta muốn chuyển đổi tầm nhìn hoặc khi cần thêm ánh sáng tự nhiên, trong khi vẫn ngăn được tiếng ồn và gió lùa. Đây có thể là một cánh cửa tiêu chuẩn với kính ở một bên (ánh sáng bên) hoặc phía trên cửa (cửa sổ con) hoặc có thể là một cánh cửa hoàn toàn bằng kính. Để đảm bảo an toàn, tất cả cửa kính đều được làm bằng kính cường lực, vì vậy chúng có thể được phun cát, khắc axit hoặc phủ một lớp phim để đạt được hiệu ứng hình ảnh mong muốn.
Cửa nhôm
Nhôm được dùng làm cửa ngoài nhiều hơn do độ bền và khả năng bảo vệ chống trộm của nó. Cửa trong không cần dùng chất liệu bền như vậy, đặc biệt vì nó đắt hơn gỗ. Tuy nhiên, nó thường được sử dụng cho các khung của cửa kính trượt bên trong.
Cửa PVC
Mặc dù gỗ mang lại sự thân thiết, ấm áp và thoải mái cho bất kỳ căn phòng nào, nhưng chúng ta không thể phủ nhận là nó đắt hơn PVC. Chính vì vậy cửa PVC ngày càng trở nên phổ biến. Chúng dễ lắp đặt và bảo trì, nhẹ hơn và có nhiều kiểu dáng, hình dạng và kích cỡ khác nhau. Các lớp phủ và màng trang trí khác nhau có thể đem lại vẻ ngoài như gỗ thật. Một ưu điểm khác là khung cửa được thiết kế sao cho chúng có thể đóng mở dễ dàng và êm ái. Ngoài ra, nhờ chi phí cho chất liệu làm cửa thấp hơn nên tiền có thể được chi cho nhiều phần nâng cấp khác nhau, chẳng hạn như bảo vệ chống trộm hoặc một thiết kế hoặc màu sắc nhất định.
Dùng thêm nỉ
PVC là một trong những chất liệu được sử dụng phổ biến nhất cho cửa trong. Đối với loại cửa này, bên trong có thể sử dụng nỉ để cách nhiệt, cách âm tốt hơn.
Cách mở
Sau khi đã quyết định kích thước và chất liệu cửa, bạn sẽ cần xem xét cách cửa mở và đóng. Điều này sẽ phụ thuộc vào cách bố trí của căn phòng, tức là không gian có sẵn, cũng như đồ nội thất trong phòng. Bạn cần quyết định sao cho khi mở và đóng, cửa không cản trở di chuyển hay va vào tường và đồ nội thất.
Cửa mở xoay
Cửa mở xoay là loại cửa phổ biến nhất trong bất kỳ ngôi nhà nào. Loại này có bản lề ở một bên và đóng mở đơn giản bằng tay nắm cửa. Nếu bạn chọn loại cửa này, hãy nhớ rằng cánh cửa chiếm rất nhiều không gian khi mở và đóng, vì vậy hãy suy nghĩ về kích thước của căn phòng và bất kỳ chướng ngại vật nào. Nội thất hoặc thậm chí vị trí của cửa có thể ngăn không cho nó mở hoàn toàn. Tất nhiên, mỗi lá cửa cần một khung cửa. Khung có thể rộng từ 85 đến 175 mm và cao tới 300 mm. Cửa đóng mở nhờ bản lề. Chất liệu phổ biến nhất cho cửa mở xoay là gỗ, có thể có thêm kính. Bạn có thể đọc thêm về chất liệu ở trên.
Cửa lùa
Cửa lùa phù hợp hơn cho những không gian nhỏ hơn, những nơi không đủ không gian để dùng cửa mở xoay. Chính vì vậy cửa lùa là một giải pháp tuyệt vời cho những căn hộ chật chội có rấtít không gian trống. Cửa lùa được coi là yên tĩnh hơn so với cửa mở xoay thông thường và có sẵn trong một số thiết kế, có thể khiến chúng trông rất hấp dẫn. Loại này di chuyển dọc theo đường ray, có thể nằm ở trên cùng của cửa hoặc cả bên trên và bên dưới cửa. Cửa lùa có thể được mở trực tiếp vào tường hoặc dọc theo tường. Nhược điểm duy nhất của loại cửa này là nó làm giảm khả năng cách âm và cách nhiệt của căn phòng.
Cửa gấp
Cửa gấp mở bằng cách tự gập lại. Loại cửa này ngày càng phổ biến trong các ngôi nhà hiện đại như những bức tường ngăn hoặc để ngăn cách nhà bếp với phòng khách để ngăn mùi. Loại của này rất dễ lắp và rất đa dạng về kích thước, thậm chí có thể rộng tới 18 m.
Các yếu tố bổ sung
Tay nắm cửa
Tay nắm cửa không chỉ có mục đích chức năng mà còn có mục đích thẩm mỹ. Khi chọn tay nằm cửa, bạn cần suy nghĩ về chất liệu, hình dạng, loại và kiểu dáng của chính cánh cửa đó. Thông thường tay nắm cửa được làm từ nhôm, nhưng đồng thau, thép không gỉ, PVC và gỗ cũng ngày càng phổ biến. Có nhiều loại tay nắm hình chữ L và tay nắm cửa hình tròn và chúng có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau - đẩy/kéo, vặn hoặc đòn bẩy. Tay nắm cửa hình tròn chủ yếu được dùng cho cửa trước vì chúng mở chậm hơn và do đó an toàn hơn. Cụ thể hơn, bạn có thể chọn tay nắm cửa dạng gạt, tay nắm cửa thủy lực, tay nắm cửa có ổ khóa, v.v.
Khung cửa
Khung cửa được lắp vào nơi sẽ lắp cửa, cùng với các giá đỡ mà lá cửa sẽ được gắn vào. Khung cửa là một yếu tố kỹ thuật cũng như thẩm mỹ và phải được căn chỉnh với lá cửa, chịu lực và chống thay đổi nhiệt độ và độ ẩm. Thông thường, khung được làm bằng gỗ cứng hoặc ván dăm, mặc dù bạn cũng có thể dùng PVC, nhôm hoặc kết hợp các vật liệu này.
Hiện nay cửa giấu khung rất được ưa chuộng, loại cửa này có khung được làm phẳng với tường và lá cửa. Điều này có nghĩa là chỉ có thể nhìn thấy cạnh giữa lá cửa và tường, còn khung hoàn toàn bị che khuất bởi thạch cao hoặc tấm thạch cao. Khung nhôm và các giá đỡ được lắp đặt trước khi trát và sơn tường, nghĩa là người trang trí có thể đảm bảo rằng tất cả các cạnh được hoàn thiện chính xác để không nhìn thấy chúng.
Phong cách
Chọn phong cách của cánh cửa dựa trên diện mạo bạn đang hướng tới và những gì bạn nghĩ sẽ phù hợp với tính thẩm mỹ của căn phòng. Trước tiên hãy nghĩ về môi trường xung quanh, không gian nơi cửa sẽ được lắp đặt. Nhà cũ hay mới? Cổ điển hay đương đại? Khu dân cư hay thương mại? Chất liệu nào và màu sắc nào là chủ đạo? Bạn có muốn cánh cửa được che giấu hay nhìn thấy? Cao hay rộng? Trả lời các câu hỏi này sẽ giúp bạn đưa ra được quyết định tốt hơn.
Cửa cổ điển có khung rõ ràng, dễ nhìn thấy, các chi tiết trang trí, kính màu và những thứ tương tự, có thể khiến bạn có cảm giác như đang bước vào một lâu đài. Cửa hiện đại tối giản với điểm nhấn là những đường nét đơn giản, sạch sẽ. Chúng chủ yếu được làm bằng gỗ hoặc nhôm. Tôn vinh chủ nghĩa tối giản hiện đại, có những cánh cửa hoàn toàn không mang tính cá nhân và nhỏ gọn với các giá đỡ được che giấu vì điểm nhấn chỉ ở bề mặt, có thể là màu trung tính hoặc giàu kết cấu và các yếu tố thị giác. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến của một nhà thiết kế nội thất và sau đó đặt hàng một cánh cửa theo yêu cầu
Cửa chống cháy được sử dụng cho những phòng và không gian mà chúng ta muốn ngăn lửa lan rộng, tức là cản nó lại. Trong các ngôi nhà gia đình hoặc chung cư, điều này thường có nghĩa là phòng nồi hơi. Bạn có thể chọn cửa chống cháy bằng thép, nhôm hoặc gỗ. Cửa phải luôn đóng để ngăn khói và lửa lan rộng. Cửa chống cháy tiêu chuẩn bảo vệ chống cháy trung bình trong 30 phút (EI30), cũng có những loại đắt tiền hơn lên đến 90 phút (EI90). Khi mua cửa chống cháy, hãy chú ý đến nhãn nhận dạng cung cấp tất cả dữ liệu kỹ thuật và thông số kỹ thuật: cơ quan cấp chứng nhận, xếp hạng chống cháy của cửa, nhà sản xuất và số tài liệu.
Đo đạc khi lắp cửa
Phải đo đạc chính xác trước khi mua và lắp đặt cửa trong. Đối với chiều rộng, hãy đo chiều rộng của toàn bộ phần tường lắp cửa. Chiều rộng cửa trong thay đổi tùy theo mục đích của căn phòng. Các thiết bị vệ sinh, chẳng hạn như nhà vệ sinh và phòng tắm, hoặc các khu vực dịch vụ, chẳng hạn như phòng để đồ hoặc phòng tiện ích, thường có cửa rộng 75-80 cm, trong khi các phòng khác có thể có cửa rộng tới 120 cm. Nếu có xe lăn đi qua, cửa phải rộng ít nhất 90 cm.
Công việc
Lắp đặt
Cần lắp cửa trong chính xác để cửa đóng mở trơn tru và đảm bảo lá không bị võng hoặc nứt khung. Đầu tiên cần kiểm tra nơi lắp cửa. Nó phải bằng phẳng và thẳng đứng và rộng hơn 3-4 cm và cao hơn 1-2 cm so với kích thước bên ngoài của khung cửa. Sau đó, đặt khung vào đúng vị trí và cố định bằng bộ đóng cửa và thanh chắn. Sau đó, có thể lắp lá cửa và lấp đầy khoảng trống giữa tường và khung cửa bằng keo bọt nở. Khi nó đã đông lại, phần thừa sẽ được loại bỏ và lá cửa được cố định trên bản lề. Công đoạn cuối cùng là gắn tay nắm cửa và khóa.
Cửa làm theo yêu cầu
Nếu bạn muốn gì đó đặc biệt, một cánh cửa khác tất cả những cánh cửa bạn tìm thấy trong các phòng trưng bày, về hình thức, kích thước hoặc cách đóng mở, thì bạn nên đặt làm cửa theo yêu cầu. Nói cho người thợ mộc những gì bạn muốn và cố gắng cung cấp cho họ một bản phác thảo hoặc một bức tranh. Như vậy, cánh cửa của bạn sẽ hòa hợp với cả mong đợi và căn phòng của bạn. Bạn có thể thỏa sức tưởng tượng!
Sửa chữa
Bạn có thể gặp vấn đề với cánh cửa của mình nếu cửa không được đỡ đồng đều, tiếp xúc với độ ẩm hoặc đơn giản là do tần suất sử dụng. Lá cửa có thể cong vênh hoặc rơi ra khỏi bản lề, bản lề có thể bắt đầu kêu cót két, khung có thể phồng lên, các bộ phận kim loại có thể bị rỉ sét, v.v. Trong những trường hợp này, bạn sẽ cần phải sửa cửa. Một chuyên gia sẽ có thể sửa chữa cửa gỗ hoặc cửa lùavà tay nắm cửa, xử lý lớp cách nhiệt, cách âm, bôi trơn, phụ tùng thay thế và kính vỡ, đồng thời thực hiện các sửa chữa nhỏ tương tự. Nếu không sửa được, bạn có thể phải cân nhắc mua một cánh cửa mới.